Thang máy là phương tiện di chuyển có mặt tại mọi cơ sở của HUFLIT, ngoại trừ cơ sở Thất Sơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng thang máy một cách văn minh, lịch sự. Điều này dẫn đến những tình trạng chen lấn, xô đẩy, nói chuyện ồn ào, chen hàng… gây mất trật tự, mất thời gian và ảnh hưởng đến người khác.
Văn hóa thang máy tại HUFLIT đã có từ lâu và được các thế hệ sinh viên HUFLIT duy trì, phát triển cho tới ngày nay. Đối với các sinh viên mới, việc hiểu được văn hóa thang máy sẽ giúp các em văn minh hơn, hòa nhập nhanh hơn với môi trường học đường tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. Hồ Chí Minh.
Để góp phần xây dựng văn hóa thang máy tại HUFLIT, cũng như hiểu rõ hơn để không gây ảnh hưởng tới người khác, có những nguyên tắc cần lưu ý như sau:
1. Xếp hàng chờ thang máy
– Trong khi đợi thang, mọi người cần xếp hàng một cách trật tự. Đối với mỗi thang, sinh viên thường được phép xếp 2 hàng để hàng chờ không quá dài, chiếm diện tích và không gian, cản đường di chuyển của người khác. Các line xếp hàng thường được làm dấu quy ước rõ ràng.
– Xếp hàng theo nguyên tắc ai tới trước xếp trước, ai tới sau xếp sau. Không chen ngang hàng nếu không có lý do đặc biệt và nên xin phép người đứng đầu hàng. Không giả vờ gặp người quen đứng đầu hàng, đứng lại nói chuyện rồi đi thẳng vào thang luôn. Như vậy sẽ gây bức xúc cho rất nhiều người đứng sau.
– Không tự ý đứng lên, cắt thành hàng thứ 3, thứ 4… của mỗi cửa thang.
– Không chen lấn, xô đẩy: Việc này không chỉ gây mất trật tự mà còn có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người khác.
– Khi thang tới, hãy đợi người bên trong ra hết rồi mới bắt đầu đi vào. Người bên ngoài hãy đứng đợi 2 bên, để lối giữa dành cho người trong thang đi ra. Tuyệt đối không chen vào khi bên trong đang đi ra.
– Nên đi thang bộ nếu chỉ di chuyển 1-2 lầu.
– Nếu thang máy còn chỗ và sau lưng bạn là một hàng (dài ngắn không quan trọng), hãy cứ bước vào cho tới khi thang kêu vì quá tải. Lí do rất đơn giản nhưng sẽ giúp rất nhiều người đứng sau kịp lớp học.
– Nhường chỗ cho giảng viên và các đại biểu, khách, cán bộ công nhân viên nhà trường.
2. Bấm nút gọi thang máy
– Khi đang ở tầng dưới, muốn đi lên, bấm nút mũi tên hướng lên 🔼. Tương tự, khi đang ở tầng trên và muốn đi xuống dưới thì bấm nút mũi tên hướng xuống 🔽 để gọi thang đi xuống.
– Khi thang dừng lại, PHẢI xem thử thang có đang đi xuống cùng hướng với mình muốn đi hay không (sẽ có mũi tên nhấp nháy bên trên cửa thang, thể hiện thang đang đi lên hay xuống). Không phải cứ thấy thang dừng là đi vào, vì có khi thang đang đi hướng ngược lại. Làm như vậy gọi là cheat thang máy, giành chỗ của những người đang có nhu cầu thực sự. Đó là một hành động không đẹp, làm ảnh hưởng tới thời gian và công sức chờ đợi của rất nhiều người khác.
Nhắc lại một lần nữa, hãy đợi vào thang đúng lượt mình muốn. Nếu nhắm thấy chiều của mình lúc nào cũng đông, hãy cân nhắc khả năng đi thang bộ để kịp giờ học.
– Nếu vô tình bước vào mà chợt nhận ra bản thân đi lộn chiều thang máy thì vui lòng bước ra tầng gần nhất theo chiều thang máy đang đi, để đưa chỗ cho những bạn cần hơn nhé.
– Khi cửa thang mở ra, chú ý quan sát cẩn thận xem thang đã dừng hẳn chưa trước khi bước vào. Đồng thời, nhường cho người bên trong ra trước rồi mình mới bước vào.
3. Hành xử văn minh bên trong thang máy
– Không nói chuyện ồn ào. Thời gian đi thang khá nhanh, nên giữ trật tự để không ảnh hưởng mọi người.
– Không hút thuốc, ăn uống trong thang máy.
– Hạn chế đi thang máy khi đang mang theo vật dụng cồng kềnh. Việc mang theo vật dụng cồng kềnh có thể gây cản trở cho người khác khi đi thang máy. Nếu cần di chuyển hàng hóa cồng kềnh, tránh những lúc cao điểm như đầu hoặc cuối các buổi học.
– Nếu đeo balo sau lưng và thang chật, hãy tháo balo, bỏ xuống dưới chân để có thêm không gian và không để balo chạm vào người đứng sau, gây khó chịu.
– Khi thang tới một tầng và cửa thang mở, nếu bạn đứng ngay cửa và chắn lối ra của người khác, hãy chủ động bước ra ngoài để mở lối cho người bên trong đi ra. Sau khi họ ra hết thì mới đi vào và tiếp tục di chuyển.
– Nếu bạn đứng gần với dãy nút chọn tầng và giữ/đóng cửa, hãy chủ động bấm giữ cửa nếu người bên trong chưa ra hết và chủ động bấm đóng cửa sau khi mọi người đã yên vị mà cửa thang chưa đóng. Lúc đó có thể tiết kiệm một chút thời gian.
4. Đợi thang máy đúng nơi, đúng chỗ
Mỗi cơ sở có một số đặc điểm riêng dành cho việc chờ thang máy. Bạn nên đi theo số đông, đừng cố gắng tạo ra sự khác biệt hoặc cố chấp, sẽ trở thành “cái gai” trong mắt mọi người. Và việc mọi người than phiền bạn trên HUFLIT Confessions cũng sẽ chỉ là vấn đề thời gian.
– Cơ sở HUFLIT Sư Vạn Hạnh: Xếp hàng thang máy từ tầng trệt. Không xếp dưới hầm xe.
– Cơ sở HUFLIT Cao Thắng: Xếp hàng thang máy từ tầng trệt. Không xếp dưới hầm xe.
– Cơ sở HUFLIT Trường Sơn: Xếp hàng thang máy từ tầng trệt. Không xếp dưới hầm xe.
– Cơ sở HUFLIT Hóc Môn: Vì là cơ sở mới và hiện đại nhất nên số lượng thang máy cũng nhiều nhất (6 thang). Trong đó, có 1 thang có thể đi từ hầm bãi gửi xe lên và đi xuống tận hầm, còn các thang khác chỉ xuống tới tầng trệt. Vì điểm đặc biệt này, sinh viên HUFLIT cần lưu ý đợi đúng thang. Ví dụ, đang ở tầng trệt mà xếp hàng ở thang đi từ hầm thì có thể sẽ không còn chỗ, vì dưới hầm xe mọi người cũng xếp hàng đợi thang (và điều này được cho phép).
– Cơ sở HUFLIT Thất Sơn: Thang máy đang bảo trì (cũng hơi lâu lâu rồi), sinh viên sử dụng thang bộ (số tầng không nhiều).
5. Những hành động không đẹp, luôn bị lên án
Đây là những điều KHÔNG NÊN LÀM:
– Vào thang máy ở lầu cao để đi xuống, xong tới tầng G thì đứng im ở trong đó để đi lên. Ví dụ: Đang ở tầng 3, muốn đi lên tầng 5 nhưng lại vào thang khi thang đi xuống, nên hành trình là 3 > G > 5.
– Trong thang còn chỗ nhưng nhất quyết không đi, “đợi đợt sau đi chung với bạn”. Điều này sẽ làm cho hàng sau không di chuyển được, ảnh hưởng thời gian của người khác.
– Vào trong thang mà không bỏ balo sau lưng xuống dưới chân.